TERRARIUM LÀ GÌ? NGHỆ THUẬT SÁNG TẠO HỆ SINH THÁI TRONG LỒNG KÍNH
Terrarium là một cách tuyệt vời để kết hợp giữa thiên nhiên và nghệ thuật, tạo ra một không gian nhỏ gọn nhưng sống động và đầy sức sống.
Terrarium là gì?
Chắc hẳn khi nghe đến từ Terrarium một số người vẫn còn thấy lạ lẫm. Nhưng tôi dám chắc rằng sau khi tìm hiểu bạn sẽ bị cuốn hút bởi nó. Trong bài viết dưới đây Aquagarden sẽ giới thiệu chi tiết những điều thú vị không thể bỏ lỡ về thuật ngữ trên nhé!
Định nghĩa
Terrarium là một hệ sinh thái thiên nhiên thu nhỏ mô phỏng môi trường tự nhiên, không có lỗ thoát nước, trong hệ sinh thái đó bao gồm các mảng thực vật, cây trồng chịu ẩm, sỏi, đất, nước, phụ kiện,... và có thể nuôi động vật như cá bên trong.
Thuật ngữ Terrarium xuất phát từ terra trong tiếng Latin nghĩa là đất sỏi và hậu tố (suffix) -arium biểu thị một khu vực hoặc thùng chứa có không gian giới hạn (ví dụ armarium (tủ quần áo), vivarium (ao cá)).
Terrarium ra đời khi nào?
Nghệ thuật Terrarium được cho là ra đời vào năm 1842 khi bác sĩ kiêm nhà thực vật học Nathaniel Bagshaw Ward trong quá trình quan sát các hành vi của côn trùng ông đã vô tình để quên bình thủy tinh có bào tử dương xỉ bên trong, sau đó bào tử này đã này mầm và phát triển thành cây dương xỉ, và terrarium bắt đầu xuất hiện.
Thí nghiệm của Nathaniel Bagshaw Ward chỉ ra rằng thực vật có thể phát triển tốt khi bị niêm phong trong lồng kính không có thông gió. Ông tiếp tục phát triển thêm nhiều nhà kính thu nhỏ, những chiếc lồng này giai đoạn đó chưa được biết đến với tên gọi Terrarium mà nó được gọi tên là Wardian.
2 loại Terrarium cơ bản
Terrarium được chia thành 2 loại: Terrarium kín và Terrarium hở.
1. Terrarium kín (Closed Terrariums): là một không gian khép kín với một hệ sinh thái tuần hoàn và gần như đầy đủ các yếu tố cần thiết cho các sinh vật trong đó phát triển. Do không gian kín nên ban ngày hơi ẩm bốc lên ngưng tự lại tại nắp và thành lọ thủy tinh, ban đêm lại thấm ngược xuống đất, duy trì độ ẩm không đổi.
Terrarium dạng kín thích hợp với những hệ sinh thái nhiệt đới ẩm cần ít ánh sáng như rêu, dương xỉ, cây không khí…do môi trường trong các bình kín gần giống với môi trường ẩm ướt của rừng mưa nhiệt đới vì thế các loại cây này sẽ phát triển bình thường trong các bình kín mà gần như không cần tưới trong thời gian dài.
Cũng có nhiều loại động vật được nuôi trong bình kín như côn trùng, bò sát, sâu, bướm, bọ, cá cảnh... vì chúng khó có thể thoát ra ngoài môi trường.
Ngoài ra, những bình Terrarium kín cũng đòi hỏi hỗn hợp đất và các nguyên liệu hỗ trợ cung cấp đầy đủ các yếu tố cần thiết tương tự trong tự nhiên cho hệ thực vật trong bình có điều kiện phát triển tốt. Hỗn hợp đất thường gồm than bùn, Đá Vermiculite, Đá perlite… Các nguyên liệu hỗ trợ gồm đá sỏi, xỉ than, đá núi lửa (trang trí hoặc tạo sự thông thoáng chống úng), than hoạt tính (giúp lọc nước, hút ẩm, cải thiện oxy cho bộ rễ và khử mùi, chống mốc), các loại rêu (tạo mảng xanh giúp giữ ẩm)…
Terrarium kín đòi hỏi chúng ta phải có nhiều kiến thức về thực vật, từ cách chọn loài đến cách sử dụng các giá thể đều phức tạp hơn so với bình mở. Từ đó mà Terrarium kín trở nên thú vị hơn khi ta cảm nhận được thiên nhiên thu nhỏ ngay trong nhà, được nhìn thấy sự tuần hoàn của thực vật và cả động vật. Terrarium kín sẽ phức tạp lúc ban đầu nhưng khi hệ sinh thái trong bình đã ổn định ta sẽ gần như không cần phải chăm sóc mà chỉ cần thường thức sự phát triển tuyệt vời này.
2. Terrarium mở (Open Terrarium) là hệ sinh thái không khép kín đối với bên ngoài. Terrarium mở hiện nay được khá nhiều người ưa chuộng vì loại hình này ở mức độ dễ chăm sóc nhất dành cho người mới.
Terrarium mở phù hợp với các loại thực vật ưa khô và cần nhiều ánh sáng như: cây sen đá, xương rồng, cây trồng trong nhà khác... và không thích hợp để nuôi các loại động vật như bò sát, nhên, bọ cạp, sâu bọ,... vì chúng có thể dễ dàng thoát ra ngoài môi trường.
Những lầm tưởng về Terrarium/ sai lầm thường gặp
Nhiều người cho rằng chỉ cần trồng những loại cây mình thích vào bình thủy tinh sao cho bắt mắt, đúng sở thích của mình là được, điều đó rất không nên vì có thể dẫn đến các sinh vật (phần lớn thực vật) sẽ chết trong một thời gian ngắn.
Rất nhiều người mới vừa tham gia chơi bộ môn nghệ thuật này thích bình Terrarium của mình phải trồng nhiều cây sen đá, xương rồng,... vào với nhau mà chưa hiểu rõ về đặc tính của từng loại, chưa kể còn trồng chung với các loại cây ưa ẩm. Làm như vậy thực vật bên trong sẽ khó sống nổi trong một tháng.
Dù là bể kín hay hở, để sinh vật trong đó sống khỏe mạnh và hài hòa, người làm Terrarium cần hiểu rõ về đặc tính của loại cây họ trồng, từng thành phần trong giá thể họ sử dụng và thời gian dưỡng đủ lâu để hệ sinh thái bên trong bình được hình thành ổn định.
Ngoài ra còn có 15 hình thức Terrarium phổ biến hiện nay
Nghệ thuật Terrarium có sự sáng tạo gần như không giới hạn tùy theo các loại bố cục, môi trường, cây cảnh và phong cách chơi khác nhau. Như ở trên ta đã biết đến 2 loại cơ bản củaTerrarium là Terrarium dạng kín và mở. Tiếp theo đây Aquagarden sẽ giới thiệu đến bạn 15 loại Terrarium được phân biệt dựa trên môi trường hoặc thành phần sinh vật (loại cây và động vật), hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Aquarium (Bể thủy sinh)
Aquarium (Bể thủy sinh hay còn gọi là hồ cá) là một bể chứa nước được thiết kế để nuôi dưỡng và chăm sóc các loài sinh vật thủy sinh như cá, rong biển, tảo và các sinh vật biển khác. Aquarium có thể có nhiều kích cỡ từ các bể nhỏ trong nhà đến bể lớn ở sở thú hoặc trung tâm nghiên cứu. Chúng có thể được trang trí với đá, cát, cây thủy sinh và các yếu tố khác để tạo môi trường sống tự nhiên cho các sinh vật thủy sinh.
2. Aquaterrarium (Hồ bán cạn)
Aquaterrarium là một dạng môi trường lưỡng tính bao gồm một phần dưới nước và một phần trên cạn hay còn gọi là bán cạn.
Tùy theo tỉ lệ nước và thành phần mà Aquaterrarium phân chia thành một số dạng sau: Paludarium, Riparium, Rivarium.
Video_Cổ trấn với kích thước siêu khủng nhà AquaGarden
3. Paludarium
Paludarium (còn gọi là hồ bán cạn) nguồn gốc tên gọi từ tiếng Latin: Palus có nghĩa là đầm lầy. Paludarium là hệ sinh thái mô phỏng theo đầm lầy và đặc trưng bởi nhiều loài thực vật sống bán cạn cùng lượng nước ít. Có thể chứa động vật lưỡng cư và côn trùng.
4. Riparium
Riparium có nguồn gốc tên gọi từ tiếng Latin: Ripa có nghĩa là bờ sông. Riparium là một hệ sinh thái mô phỏng theo một đoạn bờ sông. Nó đặc trưng bởi tỉ lệ nước lớn (thường chiếm trên 50%) và thảm thực vật hoặc rễ cây dày đặc.
5. Rivarium
Rivarium có nguồn gốc từ tiếng Latin: Rivus cũng có nghĩa là sông suối. Rivarium là hệ sinh thái mô phỏng một đoạn sông suối với nhiều sỏi đá cùng mực nước tương đối thấp (thường chiếm dưới 50%). Thực vật tiêu biểu của loại hình này là các dạng cây bán cạn có thể nổi trên nước hoặc treo ở các cạnh và có thể chứa các động vật thuỷ sinh.
6. Rainforest Terrarium
Rainforest Terrarium là hệ sinh thái mô phỏng môi trường sống của các loài động vật, thực vật ở một phần của rừng mưa nhiệt đới.
7. Forestterrarium
Forestterrarium là hệ sinh thái mô phỏng các khu rừng hoặc một phần của các khu rừng đó. Nó được xem như một dạng chuyển tiếp giữa terrarium rừng mưa nhiệt đới và terrarium khô.
8. Desertterrarium
Desert terrarium, hay terrarium sa mạc, là một loại terrarium mô phỏng hệ sinh thái khô cằn của sa mạc. Nó được thiết kế với các loại cây chịu hạn như xương rồng, sen đá và các yếu tố đặc trưng của sa mạc như cát, đá, và sỏi. Loại terrarium này không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn dễ chăm sóc, phù hợp với những người bận rộn hoặc mới bắt đầu chơi cây cảnh.
9. Steppeterrarium
Steppeterrarium cũng thuộc dạng dạng Dryterrarium. Một dạng terrarium mô phỏng thảo nguyên khô, chuyển tiếp của terrarium sa mạc và terrarium savan.
10. Savannaterrarium
Savanna terrarium là một loại terrarium mô phỏng hệ sinh thái thảo nguyên, nơi cây cỏ chịu hạn, bụi cây nhỏ, và cảnh quan đặc trưng của những vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới khô cằn được tái hiện trong một không gian thu nhỏ. Loại terrarium này mang đến vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo, kết hợp giữa cây trồng chịu hạn và các yếu tố trang trí lấy cảm hứng từ môi trường savanna.
11. Rockterrarium
"Rockterrarium" là một dạng terrarium không tập trung vào cây cối, nó sử dụng các loại đá, khoáng vật, hoặc tinh thể để làm vật liệu chính.
12. Formicarium
Là một dạng Terrarium được thiết kế để nuôi và quan sát các loài kiến trong môi trường được kiểm soát.
Thường được sử dụng cho mục đích học tập, nghiên cứu khoa học hoặc như một thú chơi.
13. Insectarium
Giống như Formicarium, đây cũng là 1 dạng terrarium được người chơi sử dụng để muôi các loại bò sát, động vật nhỏ.
14. Penguinarium
Một dạng môi trường chuyên biệt hoặc bể nuôi dành cho chim cánh cụt. Đây thường là một phần của các sở thú, công viên hải dương hoặc cơ sở nghiên cứu, được thiết kế để tái tạo môi trường sống tự nhiên của chim cánh cụt và cho phép công chúng quan sát chúng một cách gần gũi.
Penguinarium thường được dựng nên ở Anh và Mỹ.
15. Vivarium
Vivarium được xem như một hệ sinh thái thu nhỏ, nơi các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nguồn thức ăn, và môi trường vật lý (như đất, nước, đá) được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu sinh học của các loài được nuôi, tương tự như thuật ngữ Terrarium